Pháp George Sand (1804-1876)

T

Thanh Tran

Thành viên sáng lập
1669267446147.png
George Sand
(1804-1876)

I. HÀNH TRÌNH CỦA MỘT NỮ VĂN SĨ

George Sand
, tên thật là Amantine Aurore Lucile Dupin, sinh ngày 1 tháng 7 tháng 1804, mất ngày 8 tháng 6 năm 1876. Bà là tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp. Trong hơn bảy mươi năm cuộc đời mình, nữ văn sĩ thiên tài đã sống một cuộc sống mãnh liệt, hết sức phóng túng nhưng cũng đầy sáng tạo. Bà là một ngoại lệ của văn học Pháp thế kỉ 19, một cá tính hấp dẫn khiến ngưới ta khó lòng cưỡng nổi. Bà là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất ở châu Âu trong cuộc đời của bà, nổi tiếng hơn cả Victor Hugo và Honoré de Balzac ở Anh trong những năm 1830 và 1840.

Sau hôn nhân tan vỡ George Sand có nhiều mối tình khác với không ít các nhân vật nổi tiếng, trong đó có nhà thơ lớn của Pháp Alfred de Musset, và nhạc sĩ thiên tài của Ba Lan Frédéric Chopin. Bà cũng là bạn thân của nhà văn Gustave Flaubert, người từng nhận xét: "Phải quen nàng như ta đã từng quen mới biết được hết thảy những gì là nữ tính trong trái tim con người vĩ đại này."

George Sand mất tại Nohant ngày 8 tháng 6 năm 1876. Tưởng nhớ đến bà, Victor Hugo viết: "Ta khóc thương một người phụ nữ mất đi, ta suy tôn một nữ thánh bất tử".

1. Nam tước phu nhân phá cách (1804-1830)

George Sand là con ngoài giá thú của viên quan hai Maurice Dupin với cô gái thường dân Sophie Delaborde, khi họ gặp gỡ nhau ở Italia. Năm 1808, vì bố mất do tai nạn, Lucile phải rời mẹ để về sống ở Nohant xứ Berry với bà nội là một phụ nữ quý tộc, khó tính, nặng tư tưởng bảo hoàng. Khi mười ba tuổi, trong ba năm liền, Lucile được bà nội gởi đến một trường Thiên chúa giáo học "công, dung, ngôn, hạnh" theo cách đào tạo các thiếu nữ quý tộc lúc bấy giờ. Năm Lucile mười sáu tuổi, gia đình gả cô cho Nam tước Casimir Dudevant, một người đàn ông lớn tuổi và có hai con là Maurice (1823-1889) và Solange (1828-1899). Chẳng bao lâu, đôi vợ chồng sống lục đục do nhiều quan niệm bất đồng, không hạnh phúc. Họ quyết định chia tay nhau. Năm 1830, Lucile li hôn, rời quê hương đem theo hai con là Maurice và Solange lên Paris, bắt đầu cuộc sống tự do và tự lập.

2. Nữ văn sĩ George Sand (1830-1848)

Đến Paris, Lucile tìm gặp Henri Latouche, lúc đó làm giám đốc để xin làm phóng viên tờ Con vịt bị xiềng (Le canard enchaîné), nay là tờ Figaro; nhưng nghề báo chí dường như không thích hợp với người phụ nữ trẻ đang quyết tâm tìm con đường sống độc lập và tự chủ này. May mắn là Lucile gặp lại Jules Sandeau, người tình đồng hương xưa, dắt dìu nàng vào con đường văn chương. Hai người viết chung cuốn tiểu thuyết Hồng và Trắng (Rose et Blanche), in năm 1831. Để kỉ niệm mối tình với người thầy đầu tiên đưa mình vào làng văn, Lucile lấy bút danh là George Sand, một phần tên của Sandeau.

Từ đấy, vừa nuôi hai con, phải sống chật hẹp trên căn gác xép áp mái nhà, lại vừa phải vượt qua bao sóng gió của cuộc sống tự lập, George Sand vẫn quyết chí bước vào thế giới văn chương nơi đô thành ánh sáng. Bắt đầu viết riêng từ tác phẩm thứ hai là Indiana, xuất bản năm 1832, George Sand được đông đảo độc giả rất hoan nghênh. Rồi tiếp theo là Valentine (1832) và Lélia (1833), khiến George Sand nổi danh là “cây bút tiểu thuyết nữ trẻ, đứng đầu phong trào giải phóng phụ nữ”. nên Trong tác phẩm, George Sand ca ngợi tình yêu tự do. Trong đời riêng cũng vậy, nữ văn sĩ sống đắm say trong tình yêu với nhà thơ Alfred de Musset (1833-35), rồi với nhà soạn nhạc Frédérich Chopin (1838-39). Vào cuối những năm 30, bỗng George Sand chuyển hướng quan tâm của mình sang những vấn đề cách mạng, cộng hòa và xã hội. Đó là những vấn đề đang thu hút sự chú ý của giới trí thức lúc bấy giờ. Các mối liên hệ tình cảm riêng của nữ sĩ cũng chuyển từ các nghệ sĩ tài năng sang các chính khách xã hội có danh tiếng như Pierre Leroux, Victor Considérant và Tu viện trưởng D. Lamennais… Những tác phẩm mang tính chất luận đề xã hội của bà ra đời, với những kiểu nhân vật chống đối như Mauprat (1837), Horace (1841), hoặc mô tả số phận người lao động như Người bạn đường đi vòng quanh nước Pháp (Le compagnon du tour de France) 1840, Tội lỗi của M. Antoine (Le péché de M. Antoine) 1847, v.v...

Khi cách mạng tháng Hai năm 1848 bùng nổ, George Sand viết hai bức Thư gửi nhân dân (Lettres au peuple), tham gia làm biên tập cho tờ Tập san của nền Cộng hòa; và trở thành một nữ chiến sĩ cộng hòa tích cực. Giải thích khuynh hướng tư tưởng của mình lúc ấy, George Sand đã từng viết trong hồi kí là: “do tôi mang dòng máu bình dân trong huyết quản”, với ngụ ý nhắc đến nguồn gốc xuất thân của người mẹ mình xưa kia từng bị hắt hủi trong gia đình quý tộc Dupin. Sau những ngày tháng sáu năm 1848, George Sand rời Paris, trở về quê hương.

3. Người phụ nữ tốt bụng ở Nohant (1848-1876)

Sau khi nền cộng hòa “gian nan và trong sáng” không thành công như mong muốn, George Sand trở về vui thú điền viên nơi quê nhà, chăm sóc các cháu và giúp đỡ mọi người. Nữ văn sĩ vẫn tiếp tục sáng tác, nhưng chuyển sang viết tiểu thuyết điền dã: Cái ao ma quái (La mare au diable) 1846; Cô bé Fadette 1850, v.v... trong đó tác giả vẽ lên các bức tranh thôn dã với cảnh sắc đẹp đẽ, thanh bình, thơ mộng và ca ngợi những người nông dân chất phác, hồn nhiên, trong sáng, chăm chỉ, tháo vát... Ở quãng đời này, George Sand theo “lí tưởng sống ấm cúng và mang chất thơ, đó là cuộc sống bình dị”, mà tác giả nhắc đến trong hồi kí Câu chuyện đời tôi (Histoire de ma vie), xuất bản năm 1854.
Chữ ký George Sand.png
Chữ ký của George Sand


II. MỘT SỰ NGHIỆP VĂN HỌC SỐNG ĐỘNG, VỊ NHÂN SINH

1. Tác phẩm chính


George Sand để lại một số lượng tác phẩm đáng kể: 70 cuốn tiểu thuyết và 50 tập tạp bút. Những tác phẩm chính là:

1.1. Tiểu thuyết ái tình (Roman d’amour):

Indiana (1831), Valentine (1832), Lélia (1833) Jacques (1834), Mauprat (1836), Hầu tước de Villemer (1860), Lời thú tội của một cô gái (1865).

1.2. Tiểu thuyết luận để (Roman à thèse):

Người bạn đường vòng quanh nước Pháp (1840), Consuelo (1842), Người thợ xay Angibault (1845), Tội lỗi của M. Antoine (1847).

1.3. Tiểu thuyết điền dã (Roman champêtre):

Jeanne (1844), Cái ao ma quái (1846), Cô bé Fadette (1849) François le Champi (1850).

4. Tạp văn:

Những bức thư của một người đi du lịch (1834), Câu chuyện đời tôi (1854), Nàng và chàng (1859), Thư từ (1882-1884), Những thư gởi lá thư gởi Alfred de Musset (1897).

2. Nghệ thuật vị chân lí nhân sinh

George Sand luôn luôn nhấn mạnh vai trò của chân lí nghệ thuật: “Nghệ thuật không phải là việc nghiên cứu cái hiện thực hiển nhiên mà là sự tìm kiếm cái sự thật lí tưởng”. Với cảm xúc và trí tưởng tượng phong phú mang khát vọng hướng về một xã hội tư do bình đẳng bác ái, nữ văn sĩ ý thức được trách nhiệm xã hội của người viết văn. Bà viết: “Thái độ không tham gia hoạt động xã hội là ích kỉ và hèn nhát”.

Hướng về tương lai, George Sand nhận thức được vai trò tiên phong của con người mới trong xã hội: “Tôi yêu những người vô sản của các anh, bởi lẽ thứ nhất: họ là những người vô sản; lẽ thứ hai là tôi nhìn thấy ở họ mầm mống chân lí và hạt giống của nền văn minh tương lai” (Thư từ, 1836).

Nhận thức được lí tưởng, trách nhiệm và định hướng của nhà văn như thế, trong sáng tác, George Sand chủ trương: ... “Tóm lại, lí tưởng hóa cảm xúc tạo nên đề tài, tạo nên nghệ thuật cho người kể chuyện, biết đặt đề tài vào những tình huống của một khung cảnh hiện thực được cảm nhận và tái tạo lại” (Câu chuyện đời tôi, 1854).
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi moderator:
Top