Mỹ Herbert George Wells (1866 - 1946)

T

Thanh Tran

Thành viên sáng lập
1672555993535.png

Herbert George Wells

(1866 - 1946)

Herbert George Wells (21/09/1866 - 13/08/1946), thường được biết đến dưới bút danh H.G. Wells, là một nhà văn người Anh. Ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm, bao gồm hàng chục truyện ngắn, tiếp theo, và các tác phẩm mang tính bình luận xã hội, châm biếm, tiểu sử, và tự truyện, thậm chí còn viết cả hai cuốn sách về các trò chơi chiến trận. Ngày nay, ông được nhớ đến nhiều nhất nhờ các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của mình, và được mệnh danh là "Cha đẻ của khoa học viễn tưởng", song hành cùng với Jules Verne và Hugo Gernsback.

Herbert George Wells sinh tại Atlas House, 162 High Street ở Bromley, Kent, ngày 21 tháng 9 năm 1866 trong một gia đình lao động nghèo. Hồi Wells còn nhỏ, cha mẹ ông rất lo cho tình hình sức khoẻ của ông. Họ sợ rằng ông cũng sẽ chết trẻ như người chị của mình. Năm 7 tuổi, Wells phải nằm liệt giường mất tháng liền. Trong thời gian này, cha ông thường xuyên mang sách truyện từ thư viện về cho ông đọc, và niềm đam mê với truyện sách của ông khởi nguồn từ đây.

Sau khi cửa hàng của cha Wells phải đóng cửa, gia đình ông lâm vào cảnh khốn khó. Mấy người anh của ông phải đi làm phụ tá cho một cửa hàng bán vải, và mẹ ông thì đi làm quản gia. Tại nhà gia chủ của mẹ, Wells phát hiện ra một thư viện sách rất đồ sộ. Tại đó, ông được đọc các tác phẩm của Jonathan Swift và những nhân vật quan trọng đối với văn chương trong giai đoạn Thời kỳ Khai sáng, bao gồm Voltaire.

Sau khi lớn hơn một chút, Wells cũng đi làm phụ tá cho một cửa hàng bán vải. Ông hết sức chán ngán công việc của mình và về sau bỏ ngang, mặc dù bị mẹ phản đối kịch liệt. Sau đó ông chuyển qua làm học sinh giáo viên, một công việc cho phép ông vừa học tập, vừa giảng bài cho các học sinh nhỏ hơn. Wells về sau giành được học bổng theo họcTrường Khoa học Normal, nơi ông được học về vật lý, hóa học, thiên văn học và sinh học, cùng với nhiều môn học khác.

Wells cũng dành ra rất nhiều thời gian cho công việc viết lách. Trong giai đoạn học đại học, ông cho xuất bản một truyện ngắn có tên "The Chronic Argonauts" với đề tài du hành thời gian. Về sau mẩu truyện ngắn ấy được phát triển thành cuốn tiểu thuyết “Cỗ máy thời gian” tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông.

Năm 1891, Wells kết hôn với chị họ của mình, Isabel Mary Wells, nhưng cuộc hôn nhân của họ xảy ra nhiều lục đục. Được một thời gian, Wells gặp Amy Catherine "Jane" Robbins, và hai người bọn họ chính thức kết hôn vào năm 1895, sauu khi ông ly dị Isabel. Ông và Jane có hai đứa con, George Philip và Frank.

Mặc dù đã kết hôn, Wells vẫn không ngừng tìm kiếm những mối quan hệ ngoài hôn thú khác. Ông có rất nhiều người tình và về sau sống ly thân với Jane. Mối tình của ông với Amber Reeves đã khiến cho con gái ông, Anna-Jane, chào đời năm 1909. Wells về sau còn qua lại với nhà văn nữ quyền Rebecca West, và họ hạ sinh một người con trai mang tên Anthony.

Năm 1895, Wells trở thành một sự kiện gây chấn động văn giới sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết Cỗ máy thời gian. Truyện kể về một nhà khoa học người Anh đã phát minh ra một thiết bị có khả năng du hành thời gian. Bên cạnh tính hấp dẫn văn học, tác phẩm còn bàn luận cả về các đề tài xã hội và khoa học nghiêm túc, bao gồm xung đột giai cấp và quá trình tiến hóa. Các đề tài ấy về sau đôi khi cũng lại xuất hiện trong các tác phẩm khác của ông.

Wells tiếp tục viết các tác phẩm với môtíp tương tự như Cỗ máy thời gian, bấy giờ được ông gọi là truyện khoa học lãng mạn, tiền thân của dòng văn sau này có tên khoa học viễn tưởng. Trong ba năm liên tiếp, ông liên tục xuất bản những tác phẩm hết sức kinh điển, bao gồm Hòn đảo của Bác sĩ Moreau (1896), Người vô hình (1897) và Chiến tranh giữa các thế giới (1898). Hòn đảo của Bác sĩ Moreau kể về một người bị đắm tàu, dạt lên đảo hoang và gặp một nhà khoa học điên tiến hành các thí nghiệm dã man trên động vật. Trong tiểu thuyết Người vô hình, Wells lại viết về một nhà khoa học khác, đã phát hiện ra cách tự biến mình thành vô hình, và dần trở nên thoái hóa. Chiến tranh giữa các thế giới, một cuốn tiểu thuyết kể về cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh, về sau gây náo loạn cả nước Mỹ khi được đọc trên đài phát thanh. Vào đêm Halloween năm 1938, phát thanh viên Orson Welles đã đọc tác phẩm Chiến tranh giữa các thế giới trên sóng truyền thanh, giả vờ như người ngoài hành tinh vừa xâm lăng New Jersey, khiến cho dân tình được một phen khiếp đảm.

Bên cạnh các tác phẩm hư cấu, Wells còn viết nhiều bài luận, bài báo và các tác phẩm phi hư cấu khác. Ông viết bài đánh giá sách cho tờ Saturday Review một thời gian, và trong giai đoạn đó đã giúp sự nghiệp của James Joyce và Joseph Conrad được phát triển thêm lên. Năm 1901, Wells xuất bản một cuốn sách phi hư cấu có tên Anticipations. Đây là một tuyển tập các dự đoán của ông về tương lai, và sau này trở nên chính xác phi thường. Wells dự đoán sự xuất hiện của các thành phố lớn và các vùng ngoại ô, kinh tế toàn cầu hóa, và một số khía cạnh của xung đột quân sự trong tương lai.

Wells là người rất ủng hộ lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Wells viết về đề tài các giai cấp xã hội và bất bình đẳng kinh tế trong một số tác phẩm của mình, trong đó bao gồm Kipps (1905). Kipps là một trong những tác phẩm của bản thân mà Wells thích nhất.

Về sau, ông còn viết một số tác phẩm mang tính hài hước, bao gồm Mr. Britling Sees It Through (1916). Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này kể về câu chuyện của một nhà văn sống trong một ngôi làng Anh nhỏ trong giai đoạn trước, trong và sau Thế Chiến thứ I. Cũng trong giai đoạn này, Wells lại thể hiện tài năng dự đoán của mình. Ông tiên đoán việc chúng ta xẻ đôi được nguyên tử và tạo ra được bom nguyên tử trong tác phẩm The World Set Free (1914).

Năm 1920, H.G. Wells xuất bản The Outline of History, tác phẩm bán chạy nhất thời ông còn sống. Bộ sách ba cuốn này bắt đầu từ thời tiền sử và kể lại các sự kiện lớn của thế giới cho đến Thế Chiến thứ I. Wells tin rằng sau đó sẽ còn một trận đại chiến nữa.

Wells bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực điện ảnh trong thập niên 1930. Ông đến Hollywood và chuyển thể cuốn tiểu thuyết The Shape of Things to Come (1933) của mình cho màn ảnh bạc. Bộ phim năm 1936 tiêu đề Things to Come của ông đưa khán giả đi từ cuộc đại chiến tiếp theo cho đến giai đoạn tương lai xa. Cũng trong khoảng thời gian này, Wells tiến hành chuyển thể một tác phẩm truyện ngắn của mình, The Man Who Could Work Miracles.

Vì là một nhà tri thức kiêm tác giả nổi tiếng trên khắp thế giới, Wells chu du rất nhiều nơi. Ông ghé thăm Nga vào năm 1920, gặp gỡ Vladimir Lenin và Leon Trotsky. Hơn một thập kỷ sau, Wells có cơ hội nói chuyện với Josef Stalin và tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Ông còn đi thỉnh giảng và làm diễn giả, trở nên nổi tiếng vì tư tưởng cấp tiến của mình.

Cho đến những năm cuối đời, Wells vẫn không ngừng cầm bút viết, nhưng thế giới quan của ông bắt đầu trở nên tăm tối hơn. Một số nhà phê bình nghĩ rằng lý do các tác phẩm của Wells trở nên bi quan như vậy là bởi tình trạng sức khoẻ ngày một suy yếu của ông. Vào ngày 13/8/1946, ông qua đời ở London.

Lúc sinh thời, Wells được nhớ đến dưới danh nghĩa một nhà văn xã hội và chính trị. Rất nhiều phỏng đoán về tương lai trong các tác phẩm của ông về sau trở thành hiện thực, và ông được mệnh danh là "Cha đẻ của chủ nghĩa tương lai học." Nhưng ngày nay, danh hiệu ấy được chuyển thành "Cha đẻ của khoa học viễn tưởng." Các câu chuyện phi thường của Wells cho đến nay vẫn tiếp tục hớp hồn độc giả bạn đọc, với nhiều tác phẩm liên tục được chuyển thể thành phim.

Trong suốt sự nghiệp kéo dài gần 50 năm của mình, Wells rất chăm chỉ viết. Có một số năm, Wells thậm chí còn cho ra đời ba cuốn sách liền, và cuốn nào cũng được chỉnh sửa lại vài lần trước khi xuất bản.
1672556159592.png
Chữ ký của H.G. Wells

Những tác phẩm đã được xuất bản ở Việt Nam:
 
Top