Lục Tỉnh tân văn

administrator

administrator

Administrator
Thành viên BQT
Lục Tỉnh tân văn (chữ Hán: 六省新聞) là một tờ báo tiếng Việt xuất bản tại Sài Gòn, với số báo thứ nhất ra ngày 15/1/1907, là một trong những tờ báo không Công giáo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ với tiêu đề được viết bằng cả chữ Quốc ngữ lẫn chữ Hán.

Lục Tỉnh tân văn là một trong những tờ báo tồn lại lâu nhất ở Nam Kỳ trước năm 1945. Cùng với các tờ báo Gia Định Báo (1865-1910), Nhật Trình Nam Kỳ (1883 - ?), Phan Yên Báo (1898-1899), Thông Loại Khóa Trình (1988-1889), Nông Cổ Mín Đàm (1901-1924), Nhật Báo Tỉnh (1905-?), Lục Tỉnh Tân Văn là một trong những tờ báo đầu tiên xuất bản tại Nam Kỳ và viết bằng chữ Quốc ngữ.

Lục Tỉnh tân văn ra số đầu tiên 15/1/1907, tờ báo thuộc về François-Henri Schneider về mặt pháp lý, vì chỉ có người Pháp mới được phép xuất bản báo, nhưng sau này lại thuộc về Gilbert Trần Chánh Chiếu. Báo ra định kỳ mỗi tuần vào thứ năm, 16 trang, trên giấy khổ 19 x 28 cm, nội dung: tin tức về chính trị, kinh tế, xã luận, tiểu thuyết (kể cả truyện dịch từ tiếng Pháp), quảng cáo, vv... Qua năm 1911, tờ báo cũng thay đổi định kỳ, lúc đầu ra mỗi tuần 2 lần vào các ngày Thứ Năm và Chúa nhật, sau đó tăng lên 3 lần, vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Đồng thời, trong các trang quảng cáo, báo bắt đầu cho in hình đen trắng các món đồ vật được quảng cáo. Vào tháng 7/1913, Lục Tỉnh tân văn ra thêm một ấn bản cho Bắc Kỳ và đặt tên là Đông Dương Tạp Chí.

Năm 1919, tờ Lục Tỉnh tân văn có một vị chủ bút mới là ông Lê Hoằng Mưu. Cũng trong năm này, ông Schneider đã già yếu nhiếu, ông quyết định trở về Pháp để sống những năm cuối đời và nhượng lại tất cả những cơ sở thương mại của ông ở Bắc và Nam Kỳ cho chính phủ.

Năm 1920, ông Nguyễn Văn Của điều đình và mua lại của chính phủ. Tòa soạn của báo được chuyển về số nhà 157 đường Catinat, địa chỉ mới nầy chính là nhà in Imprimerie de l’Union của ông Nguyễn Văn Của. Vì là chủ nhà in/nhà xuất bản, ông Nguyễn Văn Của quen biết nhiều giới thương gia (nhờ đó số thu về quảng cáo ngày càng nhiều), ông lại có giao thiệp rộng với giới công chức nên tờ Lục Tỉnh tân văn phát triển rất mạnh, số độc giả tăng lên rất nhiều, ngay cả số độc giả mua báo dài hạn. Một phần nữa cũng do một số tờ báo khác ở Nam Kỳ đã đình bản, sự cạnh tranh thương mại đối với Lục Tỉnh tân văn càng ngày càng giảm. Ông Nguyễn Văn Của nhìn thấy cơ hội phát triển mạnh hơn, và với lợi thế là báo được in tại nhà in riêng của ông, ông đã có một quyết định lịch sử: biến tờ Lục Tỉnh tân văn thành một tờ nhật báo. Với số báo 996, ra ngày 1/10/1921, Lục Tỉnh tân văn kết hợp với tờ Nam Trung Nhựt Báo, nhưng vẫn giữ tên Lục Tỉnh tân văn, trở thành một tờ nhật báo.

Một vài năm sau, có lẽ do công việc tăng lên quá nhiều, ông Nguyễn Văn Của quyết định chỉ giữ vai trò Chủ Nhân và Tổng Lý thôi, để lo các công việc chung cho tờ báo, và giao lại vai trò Chủ nhiệm cho một người thân tín đảm nhiệm, và người Chủ nhiệm mới đó là ông Lâm Văn Ngọ. Ông Lâm Văn Ngọ giữ vai trò Chủ nhiệm này trong suốt hơn 20 năm cho đến khi tờ LTTV đình bản vĩnh viễn vào năm 1944. Ông Lê Hoằng Mưu vẫn tiếp tục giữ vai trò Chủ bút.

Trong một cuốn sách của mình, Nguyễn Văn Trung đã cho rằng Lục Tỉnh tân văn sử dụng khá nhiều từ Hán-Việt trong các bài báo, ngoài ra các câu châm ngôn chữ Hán cũng được sử dụng nhiều, và thậm chí có khi là liên tục. Theo Nguyễn Văn Trung, nhiều bài báo đặt dấu chấm câu rất linh tinh và các câu văn thì "thiếu mạch lạc", đôi khi có nhiều bài báo còn dùng cả các câu nói xuôi chữ Hán ra chữ Quốc ngữ và Lục Tỉnh tân văn do được viết theo ngôn ngữ nói nên có nhiều lỗi chính tả.
 
Top