Phạm Duy Tốn (1883-1924)

administrator

administrator

Administrator
Thành viên BQT
Phạm Duy Tốn (chữ Hán: 范維遜; 1883 –25/2/1924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Ngoài tên thật Phạm Duy Tốn, ông còn viết với các bút danh Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An. Một trong những người con của Phạm Duy Tốn là nhạc sĩ Phạm Duy (tên thật là Phạm Duy Cẩn).
Pham_Duy_Ton.jpeg

Tiểu sử
Phạm Duy Tốn sinh tại nhà số 54 đường Felloneau (nay là phố Hàng Dầu), Hà Nội. Nguyên quán của ông ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Phú Xuyên, Hà Nội). Cha Phạm Duy Tốn là ông Phạm Duy Đạt và mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ (- 1926). Ông Đạt chỉ có hai người con, do đó ông Tốn còn có một người em gái sau này là vợ của Án sát Bắc Ninh.

Thuở nhỏ Phạm Duy Tốn học chữ Nho. Sau ông cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim học trường Thông ngôn Hà Nội (Quai de Commerce) ở Yên Phụ và tốt nghiệp năm 1901. Sau khi tốt nghiệp, Phạm Duy Tốn được bổ làm thông ngôn ngạch tòa sứ Ninh Bình rồi sang Thị Cầu (tòa sứ Bắc Ninh). Lúc ấy ông nổi tiếng là một thông ngôn có bản sắc riêng. Tuy nhiên, ông nhanh chóng bỏ công việc đúng theo sở học của mình mà không rõ lý do.

Sau khi bỏ việc thông ngôn, Phạm Duy Tốn đi dạy học ở trường Trí Tri, phố Hàng Quạt, Hà Nội. Là một trong số những người Việt Nam đầu tiên húi tóc ngắn và mặc trang phục châu Âu, Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai trong số những người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội năm 1907.

Tiểu luận Phạm Duy Tốn, Journalist, Short Story Writer, Collector of Humorous Stories (Phạm Duy Tốn, nhà báo, tác giả truyện ngắn, nhà sưu tập truyện cười) của giáo sư John C. Schafer, đại học Huboldt State cho biết thêm Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai người đã đệ đơn lên chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương xin thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy nhiên, trường này bị nhà chức trách đóng cửa vào năm 1908 vì là nơi tập hợp các trí thức yêu nước, có khuynh hướng độc lập dân tộc và chống lại thực dân Pháp.

Sau khi thôi dạy học, ông làm đủ các nghề khác nhau. Đầu tiên là mở một tiệm cao lâu ở phố Cầu Gỗ, Hà Nội. Theo Phạm Duy, nghề mở tiệm ăn lúc đó nằm trong tay Hoa kiều, tiệm cao lâu của ông Phạm Duy Tốn là tiệm đầu tiên của người Việt Nam. Tuy nhiên, tiệm không cạnh tranh được và phải đóng cửa. Ông lại vay tiền để mở một tiệm vàng tên là Nam Bảo. Chính vì việc vay mượn này mà sau khi Phạm Duy Tốn mất, vợ ông, bà Nguyễn Thị Hòa, đã phải làm lụng suốt đời để trả món nợ cũ của chồng. Tiệm vàng thất bại, Phạm Duy Tốn lại cùng một số bạn bè đi tìm mỏ ở Quảng Yên, nhưng theo lời Phạm Duy, "việc tìm mỏ chắc không đem lại cho bố tôi những thích thú về tiền bạc hay tinh thần".

Sau khi thất bại liên tục trên đường tìm sinh kế, Phạm Duy Tốn được một người bạn Pháp giúp đỡ bằng cách giới thiệu vào làm việc cho chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương (Banque d'Indochine) ở Mông Tự, Trung Quốc. Ông ở Trung Quốc không lâu, lại bỏ việc trở về và quyết định theo đuổi nghề mà xưa nay ông vẫn cho là nghề phụ: viết văn, làm báo.

Giáo sư Schafer trong tiểu luận đã dẫn bình luận với nghề báo và viết lách, Phạm Duy Tốn "đã tìm thấy tiếng gọi của ông" và ông theo đuổi các hoạt động này đến khi qua đời. Theo giáo sư dẫn một bài trong báo Văn năm 1971 có tựa là Tưởng niệm Phạm Duy Tốn cho biết Phạm Duy Tốn đã viết cho tất cả 11 tờ báo khác nhau.

Hầu hết các tờ báo đó, như Đông Dương tạp chí hay Nam phong có trụ sở tại Hà Nội, nhưng ông cũng có vào Nam Kì để viết giúp các tờ báo của miền nam như Lục tỉnh tân văn hay Nông cổ mín đàm. Giáo sư Schafer viết khó xác định chính xác Phạm Duy Tốn đóng vai trò cụ thể gì trong nhiều tờ báo khác nhau, nhưng những tài liệu từ báo Văn cho thấy Phạm Duy Tốn đã làm biên tập và trợ lý biên tập cho một số tờ báo, ông cũng viết xã luận và truyện ngắn. Ông còn làm thư ký tòa soạn cho tờ Học báo trước khi nghỉ hưu vì sức khỏe.

Ông qua đời ngày 25/2/1924 tại nhà riêng ở số 54, đường Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vợ Phạm Duy Tốn, bà Nguyễn Thị Hòa, theo lời Phạm Duy, là con gái một ông đồ ở phố Hàng Gai. Chị gái của bà Nguyễn Thị Hòa - bà Nguyễn Thị Nghi - là mẹ đẻ ông Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng. Bà Nguyễn Thị Hòa và ông Phạm Duy Tốn có với nhau năm người con, ba trai, hai gái:
  • Phạm Duy Khiêm (1908 - 1974), nhà giáo, nhà văn, chính trị gia, từng giữ chức Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, được trao giải Văn chương Đông Dương (Prix Littéraire D'Indochine) lần đầu tiên và giải thưởng Louis Barthou của Viện hàn lâm Pháp
  • Phạm Thị Thuận
  • Phạm Thị Chinh
  • Phạm Duy Nhượng (1919 - 1967), nhà giáo, nhạc sĩ
  • Phạm Duy Cẩn (1921 - 2013), tức nhạc sĩ Phạm Duy
Tác phẩm
  • Bực mình hay Câu chuyện thương tâm (Đông Dương tạp chí số 55, Hà Nội, 1914)
  • Sống chết mặc bay! (Nam Phong số 18)
  • Con người Sở Khanh (Nam Phong số 20)
  • Nước đời lắm nỗi (Nam Phong số 23)
  • Tiếu lâm An Nam (bút danh Thọ An, hai tập, nhà xuất bản Ích Ký, Hà Nội, 1924)

Rất hoan nghênh các bạn có những góp ý và đóng góp thêm hình ảnh, thông tin những tác phẩm còn thiếu để những thông tin trên được hoàn thiện giúp ích cho việc tra cứu. Xin chân thành cảm ơn mọi sự đóng góp của bạn trên diễn đàn.
 
Top