Chế độ xem của khách vãng lai bị hạn chế

Phạm Quỳnh (1892-1945)

administrator

administrator

Administrator
Thành viên BQT
Phạm Quỳnh (chữ Hán: 范瓊; 1892 - 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi (尚之), bút danh: Hoa Đường (華堂), Hồng Nhân.
Phamquynh.jpg

Tiểu sử
Phạm Quỳnh sinh tại số 17 phố Hàng Trống, Hà Nội, quê quán ở làng Lương Ngọc (nay thuộc xã Thúc Kháng), phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, một làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi, Phạm Quỳnh côi cút được bà nội nuôi ăn học. Phạm Quỳnh học giỏi, có học bổng, đỗ đầu bằng Thành chung (tốt nghiệp) Trường trung học Bảo hộ (tức Trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn).

Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16. Từ năm 1916 ông tham gia viết báo cho một số tờ có uy tín đương thời, làm chủ bút kỳ cựu của Nam Phong tạp chí từ ngày 1/7/1917 cho đến năm 1932, tuyên truyền cho tư tưởng "Pháp Việt đề huề". Cũng trong thời kỳ 1924-1932, ông còn là giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội.

Ngày 2/5/1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức, Trần Trọng Kim là Trưởng ban Văn học của Hội và Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ. Năm 1922, với tư cách đại diện cho Hội Khai trí Tiến Đức, ông đã sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille rồi diễn thuyết cả ở Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục.

Năm 1924 ông được mời làm giảng viên Khoa Bác ngữ học, Văn hóa, Ngữ ngôn Hoa Việt, Trường Cao đẳng Hà Nội, trợ bút báo France - Indochine. Từ năm 1925 - 1928, Phạm Quỳnh là Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ; năm 1926 ông làm ở Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ và đến năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương.

Năm 1930 Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ. Năm 1931 ông được giao chức Phó Hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội. Năm 1932, giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ xã hội Bắc Kỳ.


Ngày 11/11/1932, sau khi Bảo Đại lên làm vua thay Khải Định, ông được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền, thôi không làm chủ bút Nam Phong tạp chí nữa. Tại Huế thời gian đầu ông làm việc tại Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1942-1945).

Trong một bài viết trên báo Sông Hương, ông đã đả phá Trần Trọng Kim và các sử gia phong kiến khi cho Triệu Đà là vua của nước Nam. Theo ông, "Quốc sử phải lấy dân tộc làm nền", "sử gia phong kiến tôn y (Triệu Đà) là ông vua khai quốc, ấy là đã làm một việc vô nghĩa... Hoặc có ai ngờ cho tôi sở dĩ cái kiến giải nầy là tại quá trọng về quốc gia chủ nghĩa, và cũng bởi cái chủ nghĩa ấy khích thích nên tôi mới viết bài này".

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Ông lui về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam, Huế.

Ngày 23/8/1945, Phạm Quỳnh bị Phan Hàm và Võ Quang Hồ bắt giữ theo lệnh của Mặt trận Việt Minh và áp giải ra khỏi Huế cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh cùng cha khác mẹ với Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi). Ba người bị xử tử không lâu sau đó.

Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng Hắc Thú, và được cải táng ngày 9/2/1956 tại Huế, trong khuôn viên chùa Vạn Phước.

Tác phẩm
Ông là tác giả và dịch giả nhiều bài viết và sách văn học, triết học, cách ngôn, ngụ ngôn, tuồng hát tiếng Pháp dịch ra tiếng Việt và tùy bút. Gần như toàn bộ các tác phẩm của ông đều đăng trên tạp chí Nam Phong. Nhiều bài sau đó in lại thành sách do Đông Kinh ấn quán ở Hà Nội xuất bản.
  • Mười ngày ở Huế (1918)
  • Một tháng ở Nam Kỳ (1919)
  • Pháp du hành trình nhật ký (1922)
  • Ba tháng ở Paris (Nam Phong tùng thư 1927)
  • Văn minh luận (Nam Phong tùng thư 1928)
  • Chính trị nước Pháp (Nam Phong tùng thư 1929)
  • Văn học nước Pháp (Nam Phong tùng thư 1929)
  • Khảo về tiểu thuyết (Nam Phong tùng thư 1929)
  • Sách cách ngôn của ông Epictète (Nguyễn Văn Vĩnh Éditeur 1929)
  • Lịch sử thế giới (Nam Phong tùng thư 1930)
  • Lịch sử và học thuyết Voltaire
  • Phật giáo đại quan
  • Cái quan niệm của người quân tử trong Đạo Khổng
  • Thượng Chi văn tập gồm 5 quyển (NXB Alexandre de Rhodes Hanoi ấn hành năm 1943)
  • Tục ngữ - Ca dao (Đông Kinh ấn quán 1932)
  • Luận giải Văn học và Triết học
  • Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp
  • Hành trình nhật ký
  • L'idéal du sage dans la philosophie confucéenne (Nam Phong tùng thư 1928)
  • Le paysan Tonkinois (Nam Phong tùng thư 1930)
  • Poésie Annamite (1931)
  • Essais Franco Annamites (Huế 1937)


Rất hoan nghênh các bạn có những góp ý và đóng góp thêm hình ảnh, thông tin những tác phẩm còn thiếu để những thông tin trên được hoàn thiện giúp ích cho việc tra cứu. Xin chân thành cảm ơn mọi sự đóng góp của bạn trên diễn đàn.
 
Top