Pháp Stendhal (1783–1842)

  • Tạo bởi BTBookstore
  • Start date
BTBookstore

BTBookstore

Thành viên sáng lập
1669346398633.png

Stendhal

(1783–1842)

I. MỘT NHÀ VĂN ĐỘC ĐÁO

1. "Người Jacobin yêu nước" (1783-1799)


Stendhal tên thật là Henri Beyle, sinh ngày 23-1-1783 ở Grenoble. Mẹ ông mất sớm giữa thời xuân sắc, để lại một niềm thương nhớ khôn nguôi cho cậu bé Henri mới lên bảy. Cha là Chérubin Beyle làm luật sư ở Hội đồng nghị viện thành phố Grenoble. Henri đặc biệt yêu ông ngoại, một thầy thuốc có tư tưởng tiến bộ, khoáng đạt; ảnh hưởng tốt đến nhà văn sau này. Vốn không chấp nhận lối giáo dục thủ cựu của cha, Henri rất ghét vị gia sư là thầy tu Raillance. Năm 1796, Henri đỗ vào trường trung học lớn nhất Grenoble và học rất giỏi: năm 1798 đoạt giải nhất về văn chương và năm 1799, giải nhất về toán. Vào thời kì này, Henri thường tuyên bố là “người Jacobin yêu nước và vô thần”, chống tư tưởng bảo hoàng và ngoan đạo của gia đình.

Năm 1799, Henri lên Paris học trường Bách khoa (Ecole polytechnique); nhưng trong những biến động của thời cuộc, lại bỏ học đi theo đội quân viễn chinh của Napoléon Bonaparte đến nhiều nước. 2. Người nghệ sĩ lang thang trong quân đội viễn chinh (1800-1826) Nhờ người chú họ là bá tước Pierre Daru, võ tướng của Napoléon I giới thiệu, Henri Beyle gia nhập quân đội và đi theo viên tướng này suốt cả thời gian chiến tranh ở Italia. Ngày 10/6/1800, Henri được phong thiếu úy, đóng quân ở thành phố Milan. Thời gian này viên thiếu úy trẻ yêu thầm lặng hai cô gái: Kubly nữ diễn viên ở Grenoble và Angela Pietragrua - một nhan - sắc của Milan. Từ năm 1802 đến 1806, Henri Beyle trở về Pháp, làm việc quân thì ít mà gần như chỉ ham mê đọc sách và lui tới các rạp hát. Năm 1805, Henri bỏ việc quân, làm nghề chào hàng cho một hãng buôn ở Marseille để có hoàn cảnh lui tới với nữ ca sĩ Melanie Guibert. Sau một năm chung sống, hai người chia tay; Henri lại trở về với đội quân của tướng Daru và được phân công làm việc tại tổng hành dinh quân đội ở Brunswick và Westphalie, với tư cách ủy viên quân sự. Thời gian này ông tham gia chiến dịch Wagram rồi về sống ở Vienne và có các mối tình với một số phụ nữ, trong đó có nữ diễn viên người Áo Babette. Năm 1810 Henri Beyle được bổ nhiệm làm ủy viên kiểm tra tại viện tham chính và tùy viên nội vụ ở Hoàng cung. Đây là “thời gian rực rỡ” trong đời ông. Chính ở đây Henri Beyle đã soạn thảo bản giá thú cho Hoàng đế Napoléon Bonaparte lấy Marie Louise, công chúa nước Áo, sau khi li hôn với hoàng hậu Joséphine de La Pagerie.

Ngoài cái thú văn chương, Henri Beyle còn ham mê nghiên cứu âm nhạc và hội họa. Ông đi du lịch nhiều với quan niệm: “Cuộc đời du lịch là thực chất của cuộc đời” và ông cũng là một trong những người đầu tiên sử dụng và Pháp hóa từ tourisme ở gốc tiếng Anh để nói về việc phát triển du lịch thế giới, tạo sự hiếu biết giữa các dân tộc. Henri Beyle đến nhiều thành phố đẹp của Italia như Milan, Florence, Rome và Naples Thời gian này ông gặp lại kí sự Angela Pietragrua, và mối tình câm lặng của ông từ 11 năm trước đã được đáp lại. Trong các năm 1807-1808, Henri viết tập luận đề Về tình yêu (De lamour) và bắt đầu dùng bút danh Stendhal. Tập sách này, sau được tập hợp cùng 12 truyện ngắn, in vào năm 1822 với nhan đề Tiểu thuyết và truyện ngắn, trong đó có những tác phẩm như Don Pardo, Hồng và xanh lục, Một vị trí xã hội, Mina de Vanghel, Kỉ niệm của một chàng trai nước Italia, v.v... Các nhân vật trong tập sách này đều có tính cách đậm nét giang hồ, nghệ sĩ, có nhiều cảm tình với nước Đức và pha chất phiêu lưu kiểu Tây Ban Nha. Năm 1812, Stendhal đến Nga trong đội quân của Hoàng đế Napoléon ở Moskva, ông chứng kiến cảnh rút quân thảm bại của quân đội Napoléon, từng một thời “rạch ngang dọc bản đồ Âu châu”. Năm 1814, chế độ Trung hưng cũng làm Stendhal “đổ theo Napoléon”. Ông ở lại Italia, tại thành phố Milan, “xứ sở thơ mộng” mà Stendhal gọi là “quê hương thứ hai”. Trong thời gian này, ông viết Cuộc đời của Haydn, Mozart và Métastase (1815); Lịch sử hội họa Italia; Rome, Naples, Florence (1817); Nước Italia (1818); Cuộc đời của Napoléon; Racine và Shakespeare; Cuộc đời của Rossini (1823), v.v... Cũng như nhân vật Fabrice Del Dongo trong Tu viện thành Parme (viết vào những năm sau đó), Stendhad đi “lang thang” trong các cuộc chiến, như một khách giang hồ. Tháng 6-1821, ông rời Milan và không còn trở lại nữa do không khí chính trị “oi bức” ở đây: những người tình nghi liên hệ với các nhà cách mạng Italia (carbonari) bị chính quyền bắt bớ, trục xuất.

3. Nhà văn “săn tìm hạnh phúc” (1827-1842)

Năm 1828, Stendhal trở về Paris. Dưới chính thể Louis-Philippe; vào năm 1830, ông được bổ nhiệm làm lãnh sự ở Trieste (Italia) nhưng bị chính quyền ở đây từ chối, nên phải chuyển đến làm việc ở Civitavecchia là hải cảng của thành Rome, vào năm 1831. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn ngoài bốn mươi tuổi lúc đó là Armance (1827, được viết trong tâm trạng sầu muộn về mối tình tan vỡ với nữ bá tước Clémentine Curial sau hai năm hạnh phúc. Năm 1829 Dạo chơi trong thành Rome ra đời, có dáng dấp như cuộc tình ngắn ngủi của tác giả với Albertine de Rubempré. Bên cạnh những trắc trở về tình duyên, công việc ngoại giao của nhà văn cũng không được suôn sẻ, vì bị chi phối bởi các thể chế khắt khe của giáo hoàng. Trong thời kì này ông viết nhiều tác phẩm như: Kí ức về chủ nghĩa vị kỉ (1832), Lucien Leuwen (1835) Cuộc đời của Henry Brulard (1836), v.v... Nhưng nổi bật giữa những tác phẩm có phần dở dang ấy, là tiểu thuyết Đỏ và Đen ra đời năm 1831. Tác phẩm này đã ghi nhận một tài năng tiểu thuyết kiệt xuất trên văn đàn Pháp. Đầu năm 1835 Stendhad được thưởng Bắc Đẩu bội tinh nhưng vinh dự này không đủ để giữ chân nhà văn. Tháng 5/1836, ông đi Paris nghỉ phép 3 tháng rồi rong ruổi luôn ba năm trời trên các nẻo đường ở Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ cho đến tháng 10/1839 mới trở về nhiệm sở ở Italia. Đúng vào năm ấy, ông đưa in Tu viện thành Parme. Tập tiểu thuyết này cùng với Đỏ và Đen là hai kiệt tác khẳng định vị trí của Stendhad, với tư cách là một trong những nhà văn hiện thực hàng đầu của Pháp ở nửa đầu thế kỉ XIX. Tháng 11-1841 Stendhal trở về Paris. Đêm 22-8-1842, ông bị trúng gió độc và đến 3 giờ sáng thì mất. Thi hài ông được mai táng ở nghĩa trang Montmartre với bia mộ được ghi một cách khiêm tốn theo di chúc: “A. Beyle, người Milan. Đã sống, đã viết, đã yêu”.

Nhưng đối với mọi người, “Stendhal mãi mãi là đại biểu rỡ của thiên tài nước Pháp” (Ehrenbourg).

II. STENDHAL, NGƯỜI SÁNG LẬP TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC PHÁP

Các tác phẩm chính


Đương thời Stendhal không nổi tiếng lắm. Ông viết không nhiều và có những bản thảo chưa được in ra khi ông còn sống. Về đại thể, có thể phân loại các văn phẩm của ông như sau:

1. Tiểu thuyết: Armance (1827), Đỏ và Đen (1831), Lucien Leurven (1834), Tu viện thành Parme (1839).

2. Phê bình, nghiên cứu văn học, nghệ thuật: Lịch sử hội họa (1819), Về tình yêu (1822), Racine và Shakespeare (1823) Dạo chơi trong thành Rome (1829).

3. Tạp văn: Rome, Naples, Florence (1817), Thư từ (1855), Nhật kí (1888).

Riêng ở thể loại nghiên cứu, Về tình yêu là một trước tác phân tích tâm lí sâu sắc, một tập sách đề cập đến những vấn đề tế nhị có ý nghĩa thẩm mĩ và nhân cách trong tình yêu. Theo tác giả, ở người phụ nữ, tình yêu được xem là một hiện tượng “kết tinh” (Cristallisation), một trạng thái “điên rồ” (folie) trong bước phát triển tất yếu hòa hợp dục vọng (désir) với sáng tạo (imagination créatrice) và sinh lực với tâm linh (de la vitalité à la spiritualité). Nhưng trong sự nghiệp văn chương của Stendhal, di sản quan trọng hơn cả mà ông để lại là các pho tiểu thuyết, đặc biệt là tác phẩm Đỏ và Đen (1831) và Tu viện thành Parme (1839). Đây là những kiệt tác có thể được xem như những mẫu mực trong kho tàng tiểu thuyết hiện thực không riêng của nước Pháp mà của cả thế giới.

TS. Thái Thu Lan

Tổng hợp sách đã xuất bản: (đang cập nhật thêm)
-
Tu viện thành Pacmơ (Le Chartreuse de Parme) bìa cứng - NXB Văn Học 2003. Người dịch: Huỳnh Lý
-
Chiếc hòm và hồn ma (Le Coffre et le Revenant) Truyện phiêu lưu Tây Ban Nha - NXB Giáo Dục. Người dịch: Hoàng Minh Thái
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi moderator:
T

Thanh Tran

Thành viên sáng lập
IMG_8241.JPG
Tu viện thành Pacmơ (Le Chartreuse de Parme)
Bìa cứng
Người dịch: Huỳnh Lý
Năm phát hành: 2003
 
T

Thanh Tran

Thành viên sáng lập
IMG_8242.JPG
Chiếc hòm và hồn ma (Le Coffre et le Revenant)
Truyện phiêu lưu Tây Ban Nha

Người dịch: Hoàng Minh Thái
Năm phát hành: 1998
 
Top