Tương Phố (1896 - 1973)

administrator

administrator

Administrator
Thành viên BQT
Tương Phố tên thật: Đỗ Thị Đàm (1896 - 1973), là nhà thơ nữ Việt Nam, thuộc thế hệ văn học 1913 - 1932. Tên tuổi của Tương Phố gắn liền với phong trào "Nữ lưu và văn học", và bà đã có những tác phẩm được đánh giá cao như "Giọt lệ thu" (văn xuôi có xen thơ, 1923), "Tái tiếu sầu ngâm" (thơ, 1930), "Khúc thu hận" (thơ, 1931)...
20221122_073853.jpg

Tiểu sử
Tương Phố sinh tại đồn Đầm, tỉnh Bắc Giang, nhưng nguyên quán của bà ở xã Bối Khê, tổng Cẩm Khê, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Bà là con của ông Đỗ Duy Phiên và bà Nguyễn Thị Yểm. Vừa lớn lên, bà ra Hà Nội học ở trường Nữ hộ sinh, sau bỏ dở, để theo học Trường Nữ Sư phạm, nhưng khi tốt nghiệp, bà không đi dạy. Bà có một cô em gái tên là Đỗ Song Khê, chính là người đã viết bài "Muốn ăn rau sắng chùa Hương" dưới bút danh Đỗ Tang Nữ nhắn gửi thi sĩ Tản Đà năm 1923.

Trong khoảng thời gian ở Hà Nội, bà gặp Thái Văn Du (em ruột Thượng thư Thái Văn Toản), một sinh viên trường thuốc, rồi họ thành vợ chồng năm 1915.

Một năm sau (1916), Tương Phố sinh con trai là Thái Văn Châu, thì chồng bà (khi ấy đã là Y sĩ Đông Dương) phải qua Pháp tham chiến trong cuộc chiến tranh Pháp-Đức (1914-1918). Khoảng cuối năm 1919, chồng bà bị bệnh phổi phải trở về Huế, rồi mất vào mùa thu năm 1920 (ngày 25 tháng 7) khi bà còn đang học ở trường Nữ Sư phạm Hà Nội.

Tương Phố thuộc hàng nữ lưu tân tiến những năm 20 của thế kỷ 20. Bà bắt đầu làm thơ vào khoảng những năm ông Du phải đi xa, và số thơ này đều có chủ đề chung là nỗi nhớ mong chồng.

Sau khi chồng mất, năm 1923 (hoặc 1922) bà viết một bài văn xuôi có xen 8 đoạn thơ lục bát và song thất lục bát, mang tên là "Giọt lệ thu", được đăng báo năm 1928. Đây là tác phẩm gây được tiếng vang trên văn đàn thời bấy giờ và cũng đã khơi dòng văn chương lãng mạn sầu não trong văn học Việt Nam hiện đại. Bởi nội dung bài là tiếng khóc thê thiết của một người vợ trẻ (Tương Phố) chờ chồng suốt ba năm, nhưng khi chồng (Thái Văn Du) về tới Huế, chẳng bao lâu thì mất. Đầu những năm 30, bài văn này đã được một nữ dịch giả người Pháp dịch ra tiếng Pháp, được một số nhà phê bình Pháp chú ý.

Sau đó bà tiếp tục viết những bài văn thơ cùng loại, đăng báo Nam Phong, về sau được tập hợp thành các tập: Giọt lệ thu, Mưa gió sông Tương, Trúc mai... Bà cũng từng làm thơ xướng họa với nhà chí sĩ Phan Bội Châu, thi sĩ Đông Hồ.

Năm Ất Sửu (1925), bà tái giá với Tuần phủ Phạm Khắc Khánh ở Phúc Yên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

Sau năm 1945, Tương Phố vào sống ở Nha Trang rồi mất ở Đà Lạt vào ngày 8 tháng 11 năm 1973, thọ 77 tuổi. Bà được an táng tại đồi Tương Sơn, TP. Đà Lạt. Hiện nay, ở thành phố cao nguyên này có một đường phố mang tên bà.

Tác phẩm
Tương Phố chính thức bước vào làng văn từ những năm 1927, 1928 và nổi tiếng qua bài "Giọt lệ thu" đang trên tạp chí Nam Phong số 131 (tháng 7 năm 1928).
Bút_tích_thơ_nữ_sỉ.jpg

Các tác phẩm của bà đã xuất bản (chưa được thống kê đầy đủ), gồm:
  • Giọt lệ thu (tập thơ, 1952)
  • Mưa gió sông Tương (tập thơ, xuất bản thời Việt Nam Cộng hòa năm 1960)
  • Trúc Mai (truyện dài bằng thơ)
Ngoài ra, bà còn viết một số tác phẩm, như: Nhờ rừng xanh (?), Tình quê (?), Chia phôi (?) Liên xóm Bàng (truyện, ?), Một giấc mộng (truyện, tạp chí Nam Phong số 133, tháng 9 năm 1928), Mối thương tâm của người bạn gái (truyện, tạp chí Nam Phong số 135, tháng 11 năm 1928), Bức thư rơi (truyện, 1929), Tặng bạn chán đời (truyện, 1929)... Và một số bài tiểu luận cũng đăng trên tạp chí này.
 
Top